Vốn là một điều kiện không thể thiếu được để một doanh nghiệp hình thành và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi muốn khởi tạo doanh nghiệp, điều kiện cần đầu tiên là phải có vốn. Nếu bạn có những ý tưởng kinh doanh hay nhưng không có vốn thì cũng rất khó biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Chính vì lẽ đó, huy động vốn trong doanh nghiệp luôn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thực hiện tốt huy động vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh với các chủ thể kinh tế khác trên thương trường.
1. Huy động từ nguồn vốn tự có
Vốn tự có hay vốn ban đầu là số vốn mà chủ sở hữu bỏ ra để thành lập doanh nghiệp và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó chính là nguồn tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm… của chính bản thân chủ sở hữu đó. Nguồn vốn này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nó được coi là cơ sở đầu tiên để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh. Với nguồn vốn tự có này, doanh nghiệp sẽ luôn ở thế chủ động và tránh được các rủi ro về tỉ giá và lãi vay từ bên ngoài.
2. Huy động vốn từ bạn bè, gia đình
Dù huy động nguồn vốn ứng trước như thế nào thì hầu hết các doanh nghiệp thường huy động nguồn tiền mặt, mà nguồn huy động tốt nhất và dễ dàng nhất chính là từ bạn bè và gia đình. Các chủ doanh nghiệp khi bắt đâu hoạt động kinh doanh thay vì phải vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc cá nhân khác thì bạn bè, gia đình là chỗ dựa vững chắc để có thể kinh doanh tốt và không phải lo lắng về việc hoàn trả các khoản lãi phải vay và chịu gánh nặng lãi suất nợ nần nhiều.
3. Huy động vốn từ nhà cung cấp
Huy động nguồn vốn từ nhà cung cấp được coi là một giải pháp ổn định cho nguồn cung đầu vào tối ưu của doanh nghiệp. Các nhà cung cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi dưới dạng cho vay lãi suất thấp với nguồn tài chính ổn định và đảm bảo trong khoảng một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp có thể chi trả. Huy động đúng được nguồn vốn sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu về vốn trong ngắn hạn hoặc dài hạn và huy động được số vốn lớn, tức thời cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sử dụng vốn vay cũng phải chú ý đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp, kế hoạch sử dụng vốn phải đảm bảo hợp lý, đúng mục đích, quản lý tốt quỹ tiền mặt, kỳ trả nợ và kỳ thu tiền. Kế hoạch sản xuất kinh doanh phải được lập bám sát thực tế, nếu không vốn vay sẽ trở thành một gánh nặng đối với doanh nghiệp.