Bạn có một công việc ổn định nhưng lại muốn tự mình kinh doanh? Bạn cảm thấy chán nản với công việc hiện tại và hy vọng rằng sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu tự mình tạo dựng một sự nghiệp? Điều đó đang trở nên khá phổ biến không chỉ ở xã hội Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới, khi mà những người trẻ tuổi càng ngày càng có nhiều ý tưởng táo bạo nhưng lại bị kìm nén trong những môi trường làm việc mà họ không có hứng thú. Tuy nhiên, phải nhớ rằng nếu chỉ đơn giản là nghỉ việc và đi buôn, sau đó là ngồi đếm tiền, thì chắc chắn là ai cũng sẽ làm và bạn sẽ không phải ngồi ở văn phòng công ty cùng với bao người khác có suy nghĩ giống bạn. Mọi thứ đều cần có thời gian và sự chuẩn bị, nếu bạn nghỉ việc để kinh doanh khi bạn chưa sẵn sàng, thì ước mơ của bạn sẽ nhanh chóng biến thành cơn ác mộng không thể cứu vãn. Hãy trả lời 4 câu hỏi dưới đây để xem liệu bạn đã sẵn sàng hay chưa nhé.
1. Liệu “ngân sách dự phòng” của bạn có đủ?
Hẳn bạn đã từng đọc vài bài báo về những thương nhân trẻ tuổi, bỏ công việc nghìn đô để xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Đúng, những trường hợp như vậy có tồn tại, nhưng đó không phải là những gì xảy ra với đa số những người đi theo con đường trông gai này. Thực tế là thu nhập đến từ việc kinh doanh sẽ rất bấp bênh, có tháng bạn sẽ lãi chút ít, có tháng bạn sẽ huề vốn, và có tháng bạn còn bị âm doanh số nữa. Trong tình huống như vậy bạn phải có một khoản tiền dự trữ đễ sẵn sàng ứng cứu những thiệt hại trong thời gian đầu. Còn nếu việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ? Khoản tiền đó sẽ có thể được dành cho những mục đích đầu tư sau này.
2. Nguồn thu từ công việc kinh doanh so với chi phí hàng ngày?
Một số người thì chọn phương án vừa đi làm, vừa kinh doanh, một cách phổ biến để đảm bảo an toàn về mặt tài chính. Nhưng ngay khi công việc kinh doanh cho thấy một số dấu hiệu khởi sắc, họ lại không ngần ngại bỏ lại sau lưng tất cả để dồn toàn lực vào canh bạc thương trường. Có thể họ có một vài tháng ăn nên làm ra, tuy nhiên nguồn thu đó nhìn chung vẫn chưa thể sánh bằng công việc hàng ngày của họ. Vì vậy, lời khuyên ở đây là đừng vội nghỉ việc cho đến khi nào việc buôn bán của bạn cho thấy một sự ổn định rõ rệt, không phải chỉ qua 1-2 tháng mà nên là theo quý, và lợi nhuận từ đó đủ để bạn trang trải cho cuộc sống thường ngày.
3. Bạn đã có kế hoạch dự phòng?
Nếu bạn nghỉ việc ở cơ quan cũ và việc kinh doanh đang diễn ra thuận buồm xuôi gió thì đúng là không còn gì phải lo lắng, nhưng đôi khi đời không như mơ. Những người lập nghiệp một ngày, để rồi chỉ ngay hôm sau họ đã quay lại với hai bàn tay trắng. Thực tế là thất bại mới là điều bạn nên chờ đón, chứ không phải là thành công. Trong trường hợp đó, bạn cần phải có một vài phương án dự phòng để có thể tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ làm giàu của mình. Kế hoạch này chỉ đơn giản là luôn sẵn sàng tìm một công việc mới để làm đầy cái túi rỗng của mình. Với các bạn trẻ, việc này có vẻ không quá khó khăn, nhưng với những người đã lập gia đình, đây là thời điểm bạn nên nghĩ đến việc làm thế nào để kiếm tiền hơn là kén chọn một công việc phù hợp.
4. Ai sẽ là người bị ảnh hưởng nếu kế hoạch của bạn đổ bể?
Như đã nói ở trên, nếu bạn là người đã lập gia đình, thì việc bạn nghỉ làm khi kinh doanh chưa ra đâu vào đâu sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên vô cùng khó khăn. Việc làm ăn riêng sẽ cho bạn sự tự do, cũng như nhiều thời gian hơn giành cho gia đình và người thân. Tuy nhiên hãy suy nghĩ kĩ và tốt nhất là đừng nên từ bỏ công việc với nguồn thu nhập ổn định khi bạn chưa sẵn sàng, hãy nghĩ đến những người sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định của bạn để lên một kế hoạch khả thi.
Dân gian có câu "Phi thương bất phú" - không kinh doanh thì không thể giàu được, và chúng ta hẳn ai cũng muốn kiếm được thật nhiều tiền. Tuy nhiên nếu điều đó có thể đạt được một cách dễ dàng thì hẳn bạn đã không phải làm những công việc mà mình không hề yêu thích. Lời khuyên duy nhất là hãy kiên nhẫn, tự trả lời những câu hỏi trên cho chính mình và bạn sẽ tìm được thời điểm thích hợp để có thể bắt tay vào biến giấc mơ thành tiền.