Rất nhiều người mạo hiểm gia nhập vào thế giới kinh doanh khi chưa có bất cứ kinh nghiệm nào. Với họ, việc khởi nghiệp là một bước đi vô cùng mạo hiểm mà thất bại là điều được họ sẵn sàng đón nhận. Tuy nhiên, bạn có thể tránh được tâm lý đó nếu bạn có chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết trước khi bước vào thương trường đầy tính cạnh tranh và rủi ro. Và không lớp học nào dạy cho bạn những kĩ năng đó tốt hơn là những công việc thực tế. Bất cứ công việc văn phòng hay thậm chí là chỉ đơn giản là việc bán hàng cũng sẽ trang bị cho bạn vô vàn những kiến thức hay những mối quan hệ để đảm bảo bạn có thể khởi nghiệp không phải với hai bàn tay trắng.
1. Việc bán lẻ:
Làm việc trong ngành bán lẻ sẽ giúp bạn phát triển khả năng lắng nghe khách hàng. Bạn sẽ phải tiếp xúc với những khách hàng mà có khi họ cũng chưa định hình được họ muốn mua gì khi bước chân vào cửa hàng của bạn. Sau khi nói chuyện với họ, bạn sẽ định hình được nhu cầu của khách là gì để giới thiệu sản phẩm phù hợp cho họ.
Đa phần với những người trong ngành bán lẻ, chỉ cần vài tháng làm việc là bạn sẽ có thể ít nhiều nắm bắt được hành vi của khách hàng và qua đó phân loại họ theo các nhu cầu. Ngoài ra, chắc chắn bạn cũng sẽ phải tiếp những vị khách khó tính hay tiếp nhận những lời phàn nàn của khách, và trong số đó sẽ có một vài lời khó nghe. Nhưng hãy coi đó là một cơ hội để trải nghiệm và thấu hiểu tâm trạng của khách hàng.
2. Nhân viên kinh doanh:
Không cần phải nói, ai cũng hiểu rằng đây chính là công việc sẽ làm tiền đề cho mọi thành công của bạn. Dù cho bạn là nhân viên bán hàng trực tiếp, hay bán hàng qua điện thoại, bạn đều được rèn luyện kĩ năng giao tiếp với khách hàng và nâng tầm nó lên thành một thói quen. Bạn cũng sẽ học cách thuyết phục khách hàng khi bạn “dụ dỗ” họ trong những cuộc thương lượng.
Hơn nữa, là một nhân viên kinh doanh, bạn sẽ ở trong một môi trường mà nỗ lực của bạn sẽ thể hiện qua các khoản hoa hồng. Nói một cách đơn giản, việc bạn kiếm được nhiều hay ít tiền phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng thành công của bạn, cũng giống như khi bạn tự mình kinh doanh vậy. Nếu hiểu theo nghĩa như vậy, việc khởi nghiệp kinh doanh cũng chả khác gì một công việc mà tiền lương chỉ đơn thuần là hoa hồng mà thôi.
3. Chăm sóc khách hàng:
Quanh đi quẩn lại chúng ta vẫn chỉ bàn về vấn đề giao tiếp phải không? Nhưng thực chất thì công việc chăm sóc khách hàng không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe và tiếp nhận ý kiến phản hồi của khách. Nếu chỉ là như vậy thì bạn chỉ cần làm hai công việc ở trên là đủ. Những người làm nhiệm vụ chăm sóc khách hàng thì có vai trò quan trọng hơn, họ đại diện cho công ty hay doanh nghiệp trực tiếp đứng ra giải quyết vấn đề cho khách. Không như những nhân viên bán hàng, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cho bất kì hỏng hóc hay sự cố nào khách hàng gặp phải. Và bạn phải giải quyết chúng với một tần suất lớn, tùy thuộc vào lượng khách hàng mà công ty của bạn đang có. Công việc này sẽ dạy cho bạn cách đối phó với áp lực từ khách hàng, hay giữ bình tĩnh khi khách hàng đang hét vào tai bạn. Điều này có thẻ không vui vẻ chút nào, nhưng bạn sẽ thấy nó vô cùng giá trị khi tự mình kinh doanh và gặp phải những vị khách không hài lòng.
4. Công việc quản lý:
Không cần phải là những việc quản lý ở những công ty đao to búa lớn, chỉ đơn giản là quản lý ở một nhà hàng, một quán café hay một tiệm tạp hóa nhỏ cũng là đủ. Điều quan trọng không phải là bạn quản lý ai, hay quản lý cái gì, mà là cách bạn quản lý và tổ chức công việc. Bạn sẽ học được cách làm việc nhóm, phân quyền cho nhân viên, quản lý thời gian, phân bố các nguồn lực sao cho hiệu quả nhất. Không một cuốn sách nào có thể dạy cho bạn cách quản lý kinh doanh tốt hơn là một công việc thực tế.
Nếu bạn đã làm qua một vài công việc, hãy nghĩ về những gì bạn thu được trong khoảng thời gian làm việc đã qua. Bạn đã học được gì về cách làm việc nhóm? Về việc quản lý thời gian? Về cách lãnh đạo? Những bài học đó không ai có thể dạy cho bạn ngoài chính bản thân bạn. Hãy tự mình trải nghiệm để rút ra kinh nghiệm và qua đó phát triển bản thân để có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình.