Trong một khảo sát gần đây của hãng Niesel dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia trên thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bội tiền cho hàng hiệu. Theo như kết quả này thì số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau nước đứng đầu Trung Quốc với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu sử dụng hàng hiệu của người Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng dù nền kinh tế có phần khó khăn hơn trước. Sức hấp dẫn của các món hàng hiệu không chỉ ở sự độc đáo, sáng tạo mà còn gia tăng giá trị về đẳng cấp.
1.Sản phẩm chất lượng
Chất lượng được coi là yếu tố đầu tiên mà bất kì một nhà sản xuất hàng hiệu nào cũng đều hướng tới. Đối với hàng hiệu, chất lượng lại đại diện cho uy tín của thương hiệu. Độ bền của các sản phẩm hàng hiệu thường cao hơn gấp 5-7 lần so với các sản phẩm cùng loại. Hầu hết các sản phẩm hiệu thường được sản xuất bởi các nguyên phụ liệu tốt nhất. Túi xách, dây lưng, giày, dép, áo da… hoàn toàn bằng da thật. Quần áo thời trang cũng sử dụng vải có chất lượng tốt nhất được nhập từ Anh, Ý… Chiếc áo Polo mua tại Mỹ, mặc hàng năm trời vẫn không bị biến dạng hay nhạt màu, hay nói đến đồng hồ hàng hiệu là phải kể đến Thụy Sỹ, mỹ phẩm hay nước hoa thì chẳng nơi nào tốt hơn Pháp.
2. Thương hiệu làm nên đẳng cấp
Thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến các sản phẩm hàng hiệu luôn có mức giá không phải ai cũng chấp nhận được. Người xài hàng hiệu thường bỏ tiền mua “thương hiệu” là chủ yếu. Hầu hết các sản phẩm hàng hiệu trên thế giới hiện nay, đặc biệt là thời trang, đều có lịch sử hình thành và phát triển rất dài, thậm chí tới hơn cả thế kỷ. Chẳng hạn như thương hiệu Louis Vuitton đã có từ năm 1854, Burberry của Anh xuất hiện từ năm 1908, Gucci bắt đầu sản xuất từ những năm 20 của thế kỷ trước… Lịch sử lâu đời làm nên thương hiệu và những dấu hiệu nhận biết không thể lẫn với ai. Hàng càng tồn tại lâu sẽ tỷ lệ thuận với giá thành sản phẩm. Giá trị thương hiệu của một sản phẩm vô hình và khó có thể định giá chính xác. Chẳng ai có thể trả lời Versace, Dolca & Gabbana hay Giorgio Armani đắt hơn các loại trang phục khác mặc dù chúng có cùng giá trị sử dụng. Chính cái đắt hơn là giá trị thương hiệu.
3. Sản phẩm mang tính chất hiếm
Hàng hiệu sẽ rất đắt nếu đó là hàng được người mua danh tiếng, giàu có đặt hãng sản xuất riêng, không phải những mặt hàng được bán rộng rãi. Những tiêu chí độc đáo, cá tính, duy nhất… đã làm nên giá trị của một sản phẩm hàng hiệu được làm theo yêu cầu. Nếu đi đôi giày Clarks, bạn sẽ không hề đau chân ngay từ lần mang đầu tiên hoặc cảm thấy khó chịu trong mùa nắng nóng. Hay chiếc áo thun hiệu Lacoste mua chính hãng, cái răng của hàng trăm con cá sấu thêu sắc sảo như nhau. Vì tính độc đáo đó mà những sản phẩm này có thể coi là vô giá.
4. Danh tiếng uy tín trên thị trường
Một lý do cũng khiến hàng hiệu có giá cao vì nhiều hãng luôn cố gắng giữ gìn danh tiếng, không bao giờ giảm giá bất kỳ mặt hàng nào, tiêu biểu như Louis Vuittion. Thậm chí, với cả hàng lỗi mốt, những hãng này, bằng cách nào đó, không để xuất hiện hàng giảm giá với mục đích cắt lỗ hoặc thu về một khoản tiền nhất định. Họ không bao giờ để cho các sản phẩm vốn đã tạo dựng được chỗ đứng của mình giảm giá dưới bất kỳ hình thức nào trong con mắt khách hàng.
Xây dựng một thương hiệu cao cấp, và để cho mọi người công nhận đó là hàng hiệu và sẵn sàng chi tiền ra mua là điều hoàn toàn không dễ. Các nhà sản xuất không chỉ bỏ ra hàng trăm triệu đô cho những ý tưởng, chiến lược, kế hoạch hoàn hảo, mà họ còn mất hàng chục năm làm việc không mệt mỏi, cùng với niềm tin và tình yêu mãnh liệt với sản phẩm của mình thì thương hiệu đó mới có thể thành công và thật sự trở thành hàng hiệu.